Thừa Thiên Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, Kinh đô của đất nước ta dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn. Đặc biệt, nơi đây là miền đất địa linh nhân kiệt, văn hiến, có bề dày về văn hóa, có chiều sâu về lịch sử. Văn hoá Huế hình thành và phát triển qua dòng chảy hơn 700 năm của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế được gìn giữ và phát triển qua bao đời nay, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Cầu Trường Tiền
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương là hình ảnh mà nhắc tới Huế ai cũng nhớ. Ban ngày, cây cầu chỉ trầm ngâm in bóng xuống dòng sông Hương thì chiều muộn và tối đến, cầu lại được tô điểm bằng ánh đèn màu lấp lánh rất nổi bật. Tối đến, du khách tham quan Cầu Trường Tiền nên kết hợp đi bộ dạo dọc bờ sông Hương, chiều hoặc tối sẽ có thêm các hàng quán ăn vặt thu hút khách.
Sông Hương
Sông Hương uốn lượn quanh co giữa núi rừng, lướt qua các làng mạc từ Kim Long, Vĩ Dạ đến Ðông Ba, Gia Hội, Nam Phổ... quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Có dịp bạn hãy du ngoạn trên sông bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng.
Đại Nội Huế
Đại nội Huế được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Đây là địa điểm được các vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa chọn làm nơi sinh sống. Năm 1993, Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO. Là một trong những di tích thuộc Quần thể kiến trúc Cố đô Huế; nơi đây được xem là công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo và là niềm tự hào của người dân Huế nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.
Đại Nội Huế có hơn 100 công trình kiến trúc nổi bật như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu... Quần thể công trình cổ kính này được bố trí theo nguyên tắc "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ", tính từ trong ra. Ngay cả các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự "tả chiêu hữu mục" (trái trước, phải sau, lần lượt theo thời gian).
Chùa Thiên Mụ
Nằm bên bờ sông Hương, chùa Thiên Mụ thu hút du khách thăm viếng bởi những câu chuyện lịch sử và kiến trúc độc đáo.
Chùa được xây dựng vào năm 1601, vào đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Chùa còn có tên gọi là Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê, thuộc phường Kim Long, cách trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía tây. Chùa Thiên Mụ có hướng nhìn ra dòng sông Hương, đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Huế.
Chùa được xây dựng vào năm 1601, vào đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Chùa còn có tên gọi là Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê, thuộc phường Kim Long, cách trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía tây. Chùa Thiên Mụ có hướng nhìn ra dòng sông Hương, đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Huế.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Ở độ cao 1450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ thường từ 19-21 oC, Bạch Mã được xem là một trong những vùng khí hậu lý tưởng. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng Hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hút mắt.
Từ thành phố Huế xuôi về Nam khoảng 30 km, đến địa phận xứ Truồi, đi vào Đập Truồi, vượt hết dốc thoải bên lưng đồi, một bức tranh thủy mặc sinh động hiện ra. Bên kia bờ nước, dưới chân ngọn linh sơn, những tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông, tháp xá lợi soi bóng xuống gương nước hồ Truồi, xa xa là những vờn mây quyện quanh những đỉnh núi đã tạo nên một không gian hư ảo, thanh tịnh và yên bình.
Vượt qua lòng hồ Truồi mênh mang sóng nước, độ chừng mươi chục phút, bằng những con xuồng nhỏ, sẽ đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Bước lên khỏi 172 bậc tam cấp là tam quan của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Được xây dựng hài hòa trong một chỉnh thể của kiển trúc Phật giáo và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã cũng có chính điện thờ Phật tổ đang ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề, phía sau chính điện là khu vực tổ đường thờ tổ sư Đạt ma của thiền phái Trúc Lâm.
Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã là một quần thể danh lam giữa vùng sơn thủy hữu tình đã trở thành địa chỉ tham quan cho du khách thập phương khi đến với vùng đất cố đô Huế.
Chợ Đông Ba
Chợ Đông Ba hiện đang trở thành một điểm du lịch-văn hóa của cố đô Huế. Người đến chợ không chỉ nhằm mua những đặc sản quý hiếm của xứ Huế như nón bài thơ, kẹo mè xửng, mắm tôm chua, nem chả, quýt Hương Cần, hạt sen Tịnh Tâm; mà có thể còn có dịp thưởng thức các món cơm hến cay rát lưỡi ở các quầy hàng rong, nếm món bánh bột lọc, món bánh bèo mỏng manh với nước mắm ớt xanh; thử tô bún bò giò heo còn nghi ngút khói, mà còn dạo chợ để thưởng thức thái độ mua bán lịch sự, văn minh, văn hóa ứng xử dịu dàng của người phụ nữ Huế. Hiện nay, một số quầy hàng ở Chợ Đông Ba vẫn còn những tiểu thương mặc áo dài trong hoạt động buôn bán, có lẽ, hiếm có một chợ nào còn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như thế.
Quốc học Huế
Đây là trường trung học đầu tiên của Huế xây từ thời vua Thành Thái, vào năm 1896. Hiện trường nằm ở số 12 đường Lê Lợi, ngay trung tâm. Trường nổi bật với màu sơn đỏ rực rỡ và những hàng cây cổ thụ xanh mướt quanh năm. Khuôn viên Quốc học Huế rất rộng nên bạn cứ thư thả đi dạo các hành lang, lớp học, sân trường, tham quan những kiến trúc Pháp xưa và chụp hình lưu niệm.
Lăng tẩm
Triều Nguyễn có 13 vua, nhưng do các lý do kinh tế và chính trị nên chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng, tất cả đều còn lại đến ngày nay với các lối kiến trúc riêng. Các lăng tẩm Huế được xây dựng từ khi vua còn tại vị nên đây không phải là chốn mộ địa u buồn mà có phong cảnh hữu tình với kiến trúc đặc sắc.
Lăng Gia Long
Hay Thiên Thọ Lăng, được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà,. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 - 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.
Lăng Khải Định
Nằm ở triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 - 1925). Lăng Khải Định là công trình có diện tích nhỏ nhất nhưng lại tốn công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn. Kiến trúc lăng có sự giao thoa của hai nền văn hoá Đông - Tây, phản ánh sở thích xa hoa của nhà vua lúc sinh thời.
Lăng Tự Đức
Hay Khiêm Cung nằm trong một thung lũng hẹp ở thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP Huế. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia triều Nguyễn.
Lăng được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475 ha. Gần 50 công trình trong lăng ở hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi.
Lăng Dục Đức
Hay An Lăng, tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng xây dựng vào năm 1889 và là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.
Lăng Minh Mạng
Còn được gọi là Hiếu Lăng, lăng có cổng chính là Đại Hồng Môn, chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng. Sau đó, việc ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Lăng có khung cảnh thơ mộng và hữu tình, xen giữa các công trình kiến trúc cổ đều có hồ nước trong xanh, mùa hè sen nở thơm ngát.
Lăng Đồng Khánh
Nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Đồng Khánh. Công trình nằm giữa một vùng quê nay là thôn Thượng Hai, phường Xuân Thủy, TP Huế. Vua Đồng Khánh (1864 - 1889) tại vị từ năm 1885 - 1889, tên húy Nguyễn Phúc Ưng Đường là vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn. Lăng vua Đồng Khánh mang đến lối kiến trúc phong kiến truyền thống và cả phần ảnh hưởng nét kiến trúc Tây Âu.
Bãi biển Thuận An
Biển Thuận An thuộc địa phận thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km về phía Đông. Nằm ở vị trí nơi sông Hương xuôi dòng phá Tam Giang đổ ra biển Đông, nên biển Thuận An mang vẻ đẹp kết hợp giữa màu sắc của dòng sông hiền hòa cùng với biển cả bao la. Với vẻ đẹp đó, vua Thiệu Trị đã xếp biển Thuận An là danh thắng thứ 10 trong “Thần Kinh nhị thập cảnh” (20 thắng cảnh xứ Huế).
Vịnh Lăng Cô
Vịnh Lăng Cô trong xanh tuyệt đẹp, nằm thoai thoải với chiều dài hơn 10km, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, gần sát quốc lộ 1A, gần đèo Hải Vân.
Vịnh Lăng Cô gây ấn tượng cho du khách bởi cái nhìn đầu tiên với vẻ đẹp thơ mộng, ngọt ngào khó tả thành lời.
Đó là những cồn cát trắng, nước biển trong vắt, bồn bề núi cao bạt ngàn. Vịnh biển này đã từng được vinh danh nằm trong top 30 các vịnh biển đẹp nhất trên hành tinh vào năm 2009, đây cũng là lý do Vịnh Lăng Cô thường xuyên xuất hiện trong các chuyến du lịch Huế.
Fastravel
Cập nhật 03-2023
Nguồn: Sưu tầm, VNExpress
Cập nhật 03-2023
Nguồn: Sưu tầm, VNExpress